Thư gửi thế hệ “Mỳ ăn liền”

Xin chào,

Tôi đã uống một ly cà phê, để rồi chẳng thể ngủ và lại nghĩ về các bạn. Tôi mơ hồ về sự hiện diện của các bạn nhưng có một điều chắc chắn rằng các bạn là những người trẻ, còn rất trẻ! Tôi không nhận mình già, nhưng đảm bảo tôi lớn hơn các bạn tí tuổi – đủ để nhắn nhủ các bạn vài điều.

Tôi không dám chắc thế hệ “mỳ ăn liền” xuất hiện từ bao giờ nhưng hiện nay, nó đang phát triển và có lẽ, trở thành một mối nguy lạ kỳ mà không hẳn ai cũng hình dung ra. Tập hợp “Mỳ ăn liền” của tôi được định nghĩa là những bạn trẻ, vô tư, vô lo, sống không suy nghĩ, ít biết trước sau, ưa thích những gì đơn giản, sẵn có; và dập dềnh như mảnh bèo trên sông.

Các bạn là kết quả của thời đại điện tử, thời đại công nghệ, nơi mà chỉ cần nhấn nút hoặc click chuột, hoặc ghê gớm hơn là chỉ cần chạm nhẹ tay, kha khá thứ sẽ được vận hành. Có qua thì có lại, sẽ có những thứ phải giảm thiểu số giờ làm việc chẳng hạn như não bộ, tai, mắt, các cơ quan chức năng đảm nhiệm việc cảm thụ… Sự quá hiện đại của môi trường chôn các bạn trong hố sâu của sự lười biếng, lười suy nghĩ, lười làm, lười vận động,… lười toàn tập từ A đến Z. Sự lười biếng đó đẩy bạn đến một số thói quen nguy hiểm là đi tắt đón đầu, làm ít mong ăn nhiều và nước lút đầu mới bì bõm tập bơi. Những trường hợp thường thấy vô cùng thân quen, mà có lẽ quen quá, bạn cũng chẳng nhận ra mối nguy từ nó. Đơn cử là việc học, lịch thi biết trước 1 tháng, bạn đi học bữa có bữa không, được khúc đầu, lộn khúc giữa, rơi rớt đâu mất khúc đuôi. Đến khi thi buông lời ai oán rằng đề khó, không trọng tâm, chẳng liên quan và thiếu thực tế… Đề án cuối kỳ biết trước 3 tháng, bạn khởi sự khi hạn chót còn 3 ngày. Có nhiều bạn nhìn ngang liếc dọc rồi tị nạnh, thấy bạn mình cũng bỏ ra 3 ngày ngồi viết đề án, sao nó được 7, mình được 3. Các bạn nhìn được tới đó, chấm hết, tầm nhìn bị sương mù che phủ, không thấy rằng thằng 7 điểm kia đã vò đầu bứt tai 75/90 ngày, có lúc ngồi ăn mà thẫn thờ, có lúc đi xe mà đầu óc chỉ chạy rần rần toàn số liệu, phân tích, giải pháp… để rồi nửa đêm bật dậy, vơ vội cây viết ghi chú lại, sợ rằng đến mai mọi sự trôi theo cơn mơ. Hắn đã phải đeo đuổi lớp học 100% số buổi, thầy giảng là há mồm ngồi nghe, tay ghi, mắt nhìn, não vận động. Chừng đó mà tới lúc nộp đề án còn giãy giãy như sắp băng hà.

Nhân tiện đang thi đại học, tôi cũng đề cập vào đây. Có một bộ phận học sinh chẳng biết mình thích gì, nên đăng ký nguyện vọng vào đâu và rồi phó thác hoàn toàn số phận cho cha mẹ, coi như một cách thoái thác trách nhiệm nếu có biến cố xảy ra. Tôi không trách việc các bạn không định hướng được cho bản thân, nhưng tôi thất vọng khi các bạn không đặt được 1% tâm huyết vào môn học, ngôi trường, hay công việc mà bạn đang thực hiện. Một số bạn lựa chọn những trung tâm đào tạo, trường tư thục với hình thức tuyển sinh 100% không rớt, và coi đó như một bến đỗ an toàn cho đời sinh viên. Ngày nhập học, các bạn xách ba lô lên trường, không mục tiêu, không chí hướng, cũng chẳng hồi hộp hay hào hứng, không trông đợi sẽ được học gì, cũng không nghĩ đến học rồi sẽ làm gì. Việc học, đặc biệt là giáo dục sau trung học, ví như một ổ bánh kem – tráng lệ, ngon lành, rực rỡ. Bạn sa vào đó, vẫy vùng như con ruồi hảo ngọt rồi mắc luôn lại đó, dính nhớp, chẳng thể thoát ra. Môi trường học tập quá tự do, thong thả về giờ giấc, thầy cô cũng chẳng gắt gao điểm danh, nhớ mặt, kiểm tra bài tập. Và thế là sau 12 năm đèn sách, quả là phấn khích với kỳ hè 4 năm. Rồi thì ai chẳng ra trường, ai chẳng có bằng tốt nghiệp, và cũng đâu đến nỗi thất nghiệp. Thời gian cứ trôi, bạn vẫn sống, đến một ngày giật mình, trí óc bỗng hoạt động thì chẳng còn gì có thể thay đổi được. Rồi một ngày đẹp trời chịu khó ngẫm nghĩ, bạn có tự hỏi rằng tại sao mình lại vào đấy học, sao lại đi con đường này, sao lại trở nên thế này, sao lại lười biếng, sao lại ngu ngốc… Hàng tá kiểu “sao lại” nhưng cuộc sống vẫn tiếp tục lặp đi lặp lại – một vòng luẩn quẩn.

Níu thêm một chút bên tuyển dụng vào đây, tại sao khi đăng tin tuyển dụng, doanh nghiệp thường đòi hỏi ứng viên có mấy năm kinh nghiệm làm việc? Họ không đơn thuần muốn biết bạn đã bỏ ra bao nhiêu giờ đồng hồ ngồi ở văn phòng dán mắt vào màn hình máy tính. Thực chất, họ muốn tính toán tổng số thời gian lao động ròng (theo tôi tự định nghĩa là thời gian làm việc mà bạn đặt 70% tâm trí vào công việc đó) mà bạn đã có thông qua số năm kinh nghiệm và quá trình phỏng vấn, đánh giá, trao đổi trực tiếp với bạn. Vậy nên, đừng tưởng có kinh nghiệm vài năm thì chắc chắn được tuyển dụng.

Chung quy lại, thế hệ các bạn đã quá say sưa với sự giản đơn, tiện nghi, những công việc nhẹ nhàng, ngắn gọn, ít thao tác. Bạn trầm trồ trước tác phẩm của một họa sỹ, gật gù với một đoạn nhạc hay và rồi thoát khỏi internet, tắt máy, đi ngủ, mọi thứ trôi tuột! Bạn hờ hững với thế giới, với những người xung quanh. Mà cũng đúng thôi, tự mình cũng đã chăm chút gì đường hoàng cho bản thân đâu?! Thế đấy, cho đến hôm nay thì tôi thực sự lo, lo cho tương lai của tôi cũng như của các bạn. (Nghĩ đi, một thằng cày chết ông chết cha, trong khi số còn lại ngơ ngác chẳng biết phải làm gì… Hãi không?!) Hãy nhìn nhận lại đi, khi mà sự lười biếng lên ngôi, chỉ cần chăm chỉ và cần cù thì bạn đã tạo nên sự khác biệt. Đừng để sự hiện đại hóa, công nghiệp hóa đào hố chôn bạn. Vẫy vùng đi, ngoi lên đi, khi trời còn trong và nắng đang đẹp!

Tạm biệt, và không có một tí ti nào muốn gặp lại!

Doraemon25
03/07/2015

This entry was posted in Suy ngẫm and tagged , , , . Bookmark the permalink.

Phản hồi cho bài viết